Thái Nguyên: Xây dựng và triển khai thống nhất về Trình tự thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính.
Thực tiễn thi hành Luật Xử lý VPHC cho thấy, xử phạt vi phạm hành chính là một trong những hoạt động phức tạp, diễn ra trong nhiều lĩnh vực quản lý có ảnh hưởng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức. Điều này đòi hỏi các chủ thể có thẩm quyền xử phạt trong quá trình thực thi nhiệm vụ phải cẩn trọng, khách quan, chính xác, kịp thời; bảo đảm tuân thủ đúng đầy đủ quy trình nghiệp vụ; ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải đúng thẩm quyền, đúng đối tượng, đúng hành vi, phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngày 23 tháng 12 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính kèm theo phụ lục biểu mẫu về xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng thống nhất trong quá trình lập hồ sơ, ban hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan có chức năng, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.
Đối với lực lượng quản lý thị trường ngoài việc tuân thủ Nghị định 118/2021/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính còn phải thực hiện đúng theo quy trình nghiệp vụ kiểm tra được quy định tại Pháp lệnh Quản lý thị trường, do đó ngày 10/12/2021, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 22/2021/TT-BCT quy định về quản lý, sử dụng biểu mẫu trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường trong hoạt động kiểm tra của Quản lý thị trường.
Hoạt động kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường trong những năm gần đây đã có những bước đầu tư mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của lực lượng, là mắt xích quan trọng để hướng đến việc xây dựng lực lượng chính quy, chuyên nghiệp và hiện đại. Đặc biệt, từ ngày 01/02/2022, hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS) của Tổng cục QLTT chính thức được áp dụng trong toàn lực lượng Quản lý thị trường. Đây là một cuộc cách mạng trong chuyển đổi số của lực lượng Quản lý thị trường hiện nay.
Tuy nhiên công tác thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính hiện nay tại các Đội QLTT trực thuộc vẫn còn một số bất cập ảnh hưởng đến quá trình hoạt động công vụ của công chức Quản lý thị trường như: áp dụng biểu mẫu về kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính chưa thống nhất chung; kĩ thuật và trình tự, quy định soạn thảo văn bản…
Từ thực tiễn công tác và qua tìm hiểu nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan, nhóm nghiên cứu của phòng Thanh tra - Pháp chế Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên nhận thấy cần có một quy trình triển khai áp dụng chung đối với các Đội QLTT trực thuộc đang thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính theo chức năng thẩm quyền của quản lý thị trường “Trình tự thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính” trên cơ sở đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, có chất lượng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính tại Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên, từng bước củng cố hoàn thiện công tác quản lý thị trường theo hướng chính quy, hiện đại.
“Trình tự thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính” bao gồm các biểu mẫu văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp theo từng lĩnh vực kiểm tra, xử lý VPHC và tổng hợp thành một trình tự cụ thể đối với lĩnh vực (như: hàng giả; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; chất lượng; hàng hóa nhập lậu; giá). Trong mỗi một lĩnh vực kiểm tra, việc thiết lập hồ sơ xử lý đều được sắp xếp thành từng bước tương ứng với từng nội dung danh mục hồ sơ kèm theo diễn giải từng bước cần phải thực hiện. Trước khi chính thức ban hành, nội dung đã được xây dựng thành Dự thảo “Trình tự thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính” gửi các đơn vị trực thuộc nghiên cứu đóng góp ý kiến (chỉnh sửa qua 2 lần sửa đổi hoàn thiện; 01 lần bằng phiếu khảo sát đến toàn thể công chức) để hoàn thiện trước khi áp dụng.
Với vị trí, vai trò là công chức phòng chuyên môn (phòng Thanh tra - pháp chế) chịu trách nhiệm tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quản lý thị trường; trực tiếp thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính tại các Đội QLTT trực thuộc và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật và các biện pháp hành chính nhằm tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo việc tuân thủ theo pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Việc tham mưu ban hành “trình tự thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính” góp phần khắc phục các thiếu sót, đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật trong quá trình thiết lập hồ sơ kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của các Đội quản lý thị trường trực thuộc trong các năm tiếp theo./.