Lâm Đồng rót gần 300 tỷ đồng phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số

Gần 300 tỷ đồng sẽ được tỉnh Lâm Đồng đầu tư trong năm 2025 nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây không chỉ là giải pháp hỗ trợ trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài, hướng tới giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao chất lượng sống cho người dân vùng khó khăn.
Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa thông qua Nghị quyết quan trọng phân bổ gần 300 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2025. Động thái này cho thấy quyết tâm cao của địa phương trong việc rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, khơi dậy tiềm năng nội tại và tạo điều kiện để người dân vùng cao “tự đứng vững trên đôi chân mình”.
Theo kết quả thẩm tra của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, đến tháng 7/2025, bức tranh kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng đã có nhiều khởi sắc. Nhiều chỉ tiêu ghi nhận chuyển biến tích cực, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, đời sống từng bước ổn định. Một trong những điểm sáng đáng ghi nhận là mô hình trồng dâu nuôi tằm – ngành nghề truyền thống đang được “hồi sinh” mạnh mẽ, trở thành sinh kế hiệu quả giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.
Song song, giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, sầu riêng, dâu tằm tiếp tục tăng, mở ra cơ hội lớn cho người dân nâng cao thu nhập, tái đầu tư vào sản xuất và phát triển kinh tế hộ. Việc giá nông sản “lên ngôi” không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn thay đổi tư duy sản xuất của bà con, chuyển từ canh tác manh mún sang mô hình gắn kết chuỗi giá trị, chú trọng chất lượng và thị trường đầu ra.
Hạ tầng - đòn bẩy cho phát triển
Bên cạnh các yếu tố kinh tế, đầu tư cho hạ tầng thiết yếu ở vùng cao cũng là trọng tâm xuyên suốt trong nhiều năm qua. Các công trình giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống cấp nước sinh hoạt tiếp tục được mở rộng, cải tạo, phát huy hiệu quả rõ nét trong việc nâng cao chất lượng sống và tiếp cận dịch vụ công của người dân.
Đặc biệt, mạng lưới y tế cơ sở tại các xã vùng cao đang dần được củng cố, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu thuận lợi hơn, nhất là trong bối cảnh các loại dịch bệnh mới và tái bùng phát có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, hệ thống trường lớp được đầu tư khang trang đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ở những địa phương từng là "điểm trắng" về giáo dục.
Hiện toàn tỉnh đã có 80/103 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 97%; tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế toàn dân đạt 86,8% – những con số minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ, vững chắc của vùng cao Lâm Đồng.
Đầu tư cần gắn với thực tiễn và chiều sâu
Phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh, bà Phan Nguyễn Ngọc Dung – Đại biểu HĐND – cho rằng việc phân bổ nguồn lực là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải triển khai sao cho đúng và trúng đối tượng, sát với điều kiện đặc thù của từng vùng miền.
Theo bà Dung, tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách dân tộc, chính sách giảm nghèo, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ khởi nghiệp… Đồng thời, phải xây dựng các kế hoạch phát triển sinh kế dựa trên điều kiện sản xuất cụ thể, kết hợp khảo sát phân nhóm hộ nghèo – cận nghèo để có chính sách hỗ trợ đúng trọng tâm. Đặc biệt, cần chuyển từ cách làm dàn trải sang đầu tư chiều sâu vào các mô hình kinh tế theo chuỗi giá trị, có liên kết thị trường và bảo đảm đầu ra cho nông sản.
“Cần tăng cường hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ, mở rộng tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề sát thực tiễn, đồng thời cập nhật, đồng bộ dữ liệu dân tộc và mục tiêu chương trình theo thực tế địa phương sau sáp nhập. Đây là yếu tố quan trọng để triển khai hiệu quả chương trình trong giai đoạn tiếp theo”, bà Dung đề xuất.
Một thách thức đặt ra là làm thế nào để gần 300 tỷ đồng đầu tư không bị “rơi vãi” trên đường về vùng cao, mà thực sự chạm đến nhu cầu, nguyện vọng và đời sống của người dân. Bởi thực tế cho thấy, không ít chương trình trước đây dù có vốn lớn nhưng thiếu gắn kết địa phương, thiếu khảo sát kỹ dẫn đến manh mún, chồng chéo hoặc không phù hợp thực tế.
Do đó, điều quan trọng là phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, phân quyền linh hoạt cho cấp xã – thôn trong việc đề xuất, chọn mô hình, triển khai dự án. Chỉ khi người dân được đặt vào trung tâm chính sách, được tham gia từ khâu thiết kế đến thực hiện thì nguồn vốn mới có thể "nở hoa" thành hiệu quả thực tế.