Một số vấn đề về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu

Ngày 27/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 173/2024/NĐ-CP, trong đó bãi bỏ toàn bộ Nghị định số 43/2009/NĐ-CP và một phần Nghị định số 59/2006/NĐ-CP. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 15/02/2025, theo đó, thuốc lá điếu nhập lậu không còn nằm trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Việc bãi bỏ quy định này tạo ra một sự thay đổi quan trọng về căn cứ pháp lý đối với việc xử lý hành vi buôn bán thuốc lá nhập lậu.
Trước ngày 15/02/2024, Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
Ngày 27/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 173/2024/NĐ-CP bãi bỏ một phần Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và bãi bỏ Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện có hiệu lực từ ngày 15/02/2025. Theo đó thì thuốc lá điếu nhập lậu không còn nằm trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.
Tuy nhiên, tại Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm của Bộ Luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;”
Đồng thời, Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm của Bộ Luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;”
Căn cứ theo khoản 5 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2025/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (sau đây gọi tắt là Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi) quy định: "Hàng cấm” gồm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành và hàng hóa cấm sử dụng tại Việt Nam.
Chính vì vậy, khi phát hiện hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu thì người có thẩm quyền xác lập hồ sơ và xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi.